V.Hòa

Le Van Hoa (John)

IT-Data analyst

RECENT POST

Số hóa quy trình doanh nghiệp cùng Appsheet

Số hóa quy trình doanh nghiệp" là một quá trình chuyển đổi các quy trình kinh doanh từ tình trạng tự nhiên sang tình trạng được mã hóa và quản lý bằng cách sử dụng các công nghệ.

Business

06-02-2023

Khả năng tự học

Khả năng tự học là một trong những kỹ năng quan trọng nhất đối với mọi người, đặc biệt là trong thế giới công nghệ và nghiên cứu dữ liệu hiện đại.

Học tập

12-01-2023

SEARCH

FACEBOOK

DMCA.com Protection Status
Ba tôi, một buổi xế chiều
09-10-2021 by John

Ba tôi......

Năm nay là năm mà tôi nhận thức được là mình đã phần nào đó già đi rồi. Có đôi khi trong cuộc sống tất bật này tôi lại dành chút xíu thời gian cho riêng bản thân mình và nghĩ về gia đình. Người mà tôi thân nhất trong gia đình có lẽ là mẹ tôi, một người cần mẫn theo năm tháng và luôn ủng hộ tôi trên mọi quyết định. Trừ việc đến giờ này chưa cưới vợ !!

Nếu có thể đưa ra một danh sách thế nào được gọi là đứa con tốt thì tôi có thể tự tin tích vào phần nhiều trong danh sách đó. Nhưng khi lướt qua phần danh sách mâu thuẫn trong gia đình thì tôi có lẽ phải dành nhiều thời gian nghĩ về ba tôi. Tôi luôn có một vấn đề với ba tôi. Không hiểu tại sao nhưng cứ hễ hai ba con ngồi với nhau là y như rằng sẽ có một vài câu chuyện để cãi nhau. Kiểu như thế giới của tôi và ba tôi nó khác nhau quá. Tôi là người luôn muốn sáng tạo và đổi mới, ba tôi thì khác, ông là người sợ thay đổi. Cứ như thế tôi và ba tôi lớn lên với những nỗi niềm khác nhau.

-Niềm tự hào gia đình

Phải thú thật sự từ nhỏ tôi chưa bao giờ là niềm tự hào của gia đình cả. Và sự khác biệt là thứ khi tôi sinh ra đã có sẵn. Tên tôi là H, tên ba mẹ tôi lần lượt là N và D. Và tên hai anh chị của của tôi cũng là N và D. Có một lần tôi hỏi mẹ tôi thì được biết rằng tên tôi là Hòa vì ba mẹ tôi ngày đó có giận nhau và sau đó đặt tên tôi một cách không thể nào trùng hợp hơn.

Trong gia đình từ nhỏ đến lớn thì tôi là đứa con út, và thường người ta luôn có câu đứa con út luôn là sướng nhất. Có thể là vậy. Quê tôi là một làng quê nhỏ ở miền Trung, trong trí nhớ đầy chắp vá của tôi thì vào đầu những năm 2000 ở quê tôi khổ lắm, ăn khoai sắn suốt ngày. Cơm nếu có thì cũng chỉ là lớp mỏng phía dưới chén. Tôi sinh ra năm 95 trong khi hai anh chị tôi sinh trước tôi khá lâu, chị tôi sinh năm 86 còn anh tôi sinh năm 88. Khoảng cách tuổi tác mấy anh chị em nhà tôi khá lớn, tính ra cũng gần 10 năm, nó là khoảng cách giữa hai thế hệ 8x và 9x. Tôi không thể tưởng tượng của cái thời của anh chị tôi thì họ sống thế nào, vì tôi không sống ở thời điểm đó. Tôi chỉ có thể biết được qua những mẫu chuyện mà những lúc mất điện hay những khi nào đó hiếm hoi lắm ba mẹ tôi hay anh chị tôi kể lại. Rằng thời đó mọi thứ khó khăn đến mức ai sinh ra thì cái đói cái khổ đều hiện rõ trên vầng mắt. Anh trai tôi thuộc loại suy dinh dưỡng từ bé. Dáng người cao nhưng lại rất gầy, chị tôi thì cũng không khá khẩm hơn là bao. Tôi thì sinh ra ở giai đoạn sau này, cái giai đoạn mà có cơm để ăn, có khoai sắn đầy nồi, cơm có thể không no nhưng khoai sắn thì có đủ. Và cũng không biết được vì một thế lực nào đó tác động hay không nhưng ngày nhỏ tôi rất mập, mập tròn luôn. Tôi không chọn được cuộc sống và nơi mình sinh ra hay thời điểm mình sinh ra, nó đã có sẵn như vậy rồi. Tôi chỉ sống đúng thời điểm đó thôi. Nhưng đôi khi sự so sánh là có, tôi nhớ có nhiều lần anh chị tôi hay nói về những cực khổ đã từng trải qua. Rằng ngày đó anh chị tôi đã phải sống trong hoàn cảnh thế này thế kia trong khi tôi thì quá sướng. Chị tôi đã phải bỏ học để đi làm osin cho nhà người ta khi còn khá trẻ. Và dành lại cái phần may mắn đó cho bọn tôi. Khi tôi lớn lên thì phần nào đó tôi thương anh chị mình nhiều, vì họ đã trải qua những tháng ngày cơ cực đến vậy. Nhưng phần khác thì tôi thấy hơi tổn thương cho chính bản thân mình, tôi không được chọn nơi để tôi sinh ra nhưng cuối cùng thì tôi lại bị tách biệt vì đôi khi họ nghĩ họ hơn tôi khá nhiều thứ. Nhưng nếu được chọn để sinh ra thì có lẽ...

Trong suốt quá trình lớn lên thì tôi bị đứng dưới bóng của anh trai mình một khoảng thời gian khá lâu. Hồi đó có lẽ niềm tự hào lớn nhất của ba tôi chỉ là anh trai tôi, nếu hỏi tôi lý do tại sao thì tôi không biết. Tôi chỉ cảm thấy vậy, và thực sự nó là vậy qua nhiều năm tháng. Khi anh  tôi hoàn thành xong việc học lớp 9 thì anh tôi và chị tôi cũng đi làm cùng nhau ở lò gạch ở Kon Tum. Ngày đó thì ai học xong lớp 9 hoặc chưa học xong cũng vào Kon Tum làm gạch cả, nó như một cái trend vậy. Cũng đúng thôi, ở một nơi mà cơm chưa đủ ăn và một nơi có thể kiếm được ra tiền thì ai chẳng muốn kiếm một cơ hội thay đổi cuộc sống. Hồi đó giá trị của con chữ chưa cao, cũng chưa ai biết Bình Dương hay Đồng Nai là gì và các khu công nghiệp ở trong này ra sao. Mọi người khi tết gặp nhau chỉ nói là làm ở trại bà này tốt không, trại ông kia thế nào lương lậu bao nhiêu. Chẳng ai than vãn về cực khổ hay khó khăn về cuộc sống như bây giờ, vì họ đã chấp nhận là khi đi làm việc bằng tay chân là phải thế. Khi chỉ có một sự lựa chọn thì người ta chỉ có việc là chấp nhận hay không mà thôi.

Anh chị tôi đi làm khi học xong lớp 9. Vậy là còn mỗi tôi ở nhà, tôi nhớ cái ngày đó tôi phải học tất cả mọi thứ trong nhà để phụ ba mẹ tôi, còn mỗi tôi ở trong nhà nên việc phụ giúp gia đình là việc hiển nhiên rồi. Nói đến đây thì cũng không đúng cho lắm, vì vốn dĩ là con nhà nông thì phải biết hầu như mọi thứ khi được sinh ra rồi. Nó là điều hiển nhiên thôi mà. Vậy nên trừ những lúc đi học ra thì tôi đều đi học sớm về phụ ba mẹ cả. Nên khi tôi nhìn lại thì tuổi thơ của tôi nó trôi qua mà chả có gì ấn tượng cả. Nếu có thì chỉ là những lần đi chăn bò với đám bạn bên xóm hoặc là mấy lần đi ăn trộm dứa với con bạn hàng xóm. Còn lại chỉ là những công việc đồng áng cứ lặp đi lặp lại theo năm tháng. Nó cứ liên tục như vậy  mà đến mức tôi còn chẳng muốn nhớ nữa. Nên khi lớn lên việc nhỏ to gì tôi cũng biết làm cả. Ấy vậy mà không hiểu sao cái bóng của anh tôi quá lớn. Tôi cứ chạy mãi chạy mãi nhưng sự so sánh với anh trai tôi cứ mãi ở đó. Tôi đứng đầu trường về môn Vật Lý trong 3 năm, tôi dành được rất nhiều bằng khen khi đi học, có lần còn vào được cả đội hình đi thi học sinh giỏi Hóa đi thi Huyện. Tôi bỏ đi chơi với đám bạn chỉ để chạy về sớm phụ ba mẹ. Lúc nào tôi đi chăn bò cũng có một vài bó củi mang về. Vậy mà ngày đó tôi cảm thấy như những thứ tôi làm đều không có chút ấn tượng nào trong mắt ba tôi. Lúc nào cũng câu nói, nhìn thằng N kìa, nó thế này thế kia, mày chỉ có phá mà thôi. Dù thật sự nhiều việc tôi làm nó không mấy thành công hay tốt đẹp gì. Nhưng thật khó để nói về cảm giác ba mẹ mình nói mình như vậy nó khó khăn như thế nào, nhưng mà nó cứ theo mãi tôi khi tôi bắt đầu lớn lên, và ngày đó tôi cũng đã “quen” dần với việc đó cho dù nó chẳng thoải mái chút nào. Tôi biết rằng tình cảm là thứ khó mà nói san sẻ được cho bằng nhau trong cuộc sống nhưng mà phần “bánh” ngày đó tôi dành được dường như khá ít. Nhưng có lẽ vì vậy mà nó cũng lại có cái hay, phần bánh cho tôi khá ít nên kì vọng mọi người đặt cho tôi có lẽ vì vậy cũng không cao. Vì thế mà tôi có thể vươn mình lên được, có đôi người mang một kì vọng quá cao trong gia đình để rồi cuối cùng ngụp lặn trong sự kì vòng lớn đó của gia đình. Cho đến những năm gần đây thì việc ai nói tôi giống ai điều đó không còn quan trọng nữa vì vốn dĩ tôi cũng đã có một con đường riêng cho bản thân mình.

-Sự khó khăn của cuộc sống

Qua những lời kể của ba tôi và nhiều người nữa thì ngày đó ba tôi học rất giỏi. Ông nội tôi mất khi ba tôi lên 7, bà nội tôi một mình nuôi dưỡng ba tôi và cho ông ăn học được khá đầy đủ. Tôi cũng không thể nào mà tưởng tượng ra được chính xác là ngày đó ba tôi giỏi cỡ nào. Nhưng ở cái thời kì bao cấp mà làm được trưởng kế toán hợp tác xác và trưởng hợp tác xã thì cũng không phải là dễ dàng gì được. Ấy vậy mà ba tôi đã từng làm, làm trong 19 năm cơ đấy. Rồi sau đó hợp tác xã giải thể, vì một lý do nào đó mà ba tôi không còn làm nữa. Tôi cũng thắc mắc về vấn đề này khá nhiều, nhưng khi đủ chín chắn trong cuộc sống thì tôi không bao giờ hỏi ba tôi về vấn đề này. Tôi chỉ biết là sau đó thì ba tôi về làm vườn, một thời gian sau thì ba tôi uống rượu say và đập đầu và tự té. Tôi nhớ ngày ba tôi bị tai nạn là ngày tôi học lớp 3-4 , khi tôi đi học về chỉ thấy ba tôi nằm ở chiêc giường trước hiên với đầu quấn rất nhiều máu. Và đó cũng là bắt đầu cho tháng ngày đen tối. Ba tôi sau đó bị chấn thương sọ não, và phải đi khắp nơi để chữa trị. Ba tôi phải vào bệnh viện Trung Ương Huế để mổ sọ lấy máu đông. Với kinh tế ngày đó của gia đình tôi thì dường như kiệt quệ. Nhà tôi có 8 con bò, bán hết 5 con và thêm khoản nợ mà tầm hơn 10 năm sau mới trả hết nợ.

Tôi nhận thấy được sự khó khăn của gia đình từ khi khá sớm. Nên tôi luôn cố gắng để giúp đỡ gia đình khi có thể. Tôi nhớ một lần mẹ tôi đã kể là đôi lần hết gạo nên phải lấy gạo nấu cho lợn ăn để nấu cho cả nhà nhưng sợ tôi biết lại không giám ăn nên giấu đi. Đến sau này mẹ tôi mới kể lại cho tôi nghe. Và cũng chính tôi là người đi mượn gạo về cho gia đình, tôi đi mượn gạo đã thành thói quen. Tôi không hiểu sao nhưng ngày đó đối với tôi mượn gạo nó bình thường lắm, nó chẳng ngại ngần gì lắm đâu. Nói vậy không có nghĩa là tuổi thơ tôi quá cơ cực. Ba mẹ tôi lúc có thể vẫn cho tôi 200-500 đ tiền ăn hàng. Tuy không nhiều như đám trẻ khác nhưng một hai cái kem. Áo quần thì cũng không kham khổ đến nỗi không có đồ mặc. Lâu lâu bạn bè của ba tôi thường đem cho chúng tôi những túi lớn chở đầy áo quần cũ, cũ với người khác chứ chưa bao giờ cũ với tôi cả. Nó mới, mới như tươm. Từ tôi, ba tôi mẹ tôi chả ai mấy khi có đồ mới để mặc cả. Có mỗi tôi là tết đến một lần lại có một vài bộ đồ mới. Tôi học được ở mẹ tôi cái tính cần cù và siêng năng là nhiều. Áo quần dù cho nhiều đến đâu, dù xấu đẹp gì mẹ tôi cũng không vứt đi cả, bà luôn tìm cách để cho những người khác dù là vài tấm áo. Bạn của ba tôi thường tốt lắm, lâu lâu có cho kẹo, cho áo quần cũ. Đó là lý do mà tôi hay chờ bạn của ba tôi đến chơi là vậy. Còn ba tôi thì khác, ông thường ít khi thích bạn bè tới nhà chơi. Chỉ có đôi lần say lên ông mới tâm sự một đôi câu với tôi rằng. Nhìn bạn ba tôi đến nhà chơi đôi khi buồn lắm, nhìn thân mình lủi thủi một đời bên nương vườn lượm lặt từng đồng một cho gia đình. Thấy mấy đứa bạn đứa nào đứa nấy giờ là ông này bà kia cũng ra gì hết cả. Có lần ba tôi khóc với tôi khi kể về việc có người bạn nằm bệnh viện vì ung thư mà chỉ có được 500 ngàn để đi thăm, trong khi người bạn đó giúp đỡ mình được bao nhiêu thứ. Ngày đó khi mới 20 21 tôi khó mà hiểu được cái cảm giác của ba tôi đã trải qua. Giờ đây khi đã 27 tuổi rồi, có lẽ chưa chín chắn lắm đâu nhưng sự gai góc của cuộc sống cũng đã phủ lên đầy người, nên có lẽ tôi cũng hiểu dần cảm giác của ba tôi.

Có điều lạ là nhà tôi tuy rằng khốn khó thật nhưng chưa bao giờ tôi thấy ba mẹ tôi đánh nhau. Những trận đòn ngày xưa mà ai đó đánh tôi giờ tôi còn chả nhớ nữa. Cãi nhau thì có lẽ là đôi khi như cơm bữa nhưng rồi đâu cũng vào đấy, đôi khi tôi nghĩ đó là chút gia vị của cuộc sống ba mẹ tôi chăng. Tôi thì thích cái gì có vị ngọt nên gia vị cãi nhau đó tôi ăn không quen được. Nhưng chưa bao giờ ba mẹ tôi chửi nhau quá nặng lời mà xúc phạm quá tới người kia, cái hay của họ là vậy đôi khi chắc tôi nghĩ do ba mẹ tôi cũng được ăn học đầy đủ hơn nhiều người trong ngôi làng nhỏ quê tôi. Nếu nói thành công được định nghĩa là chiếc xe họ đi, thức ăn họ ăn hằng ngày hay việc họ làm thì chắc chắn chẳng ai nói ba mẹ tôi là thành công cả. Không phải là tôi không thấy tự hào về công việc của ba mẹ mình nhưng mà thật sự thì việc làm nông ở quê tôi chưa thấy ai là giàu có cả. Nhưng nếu nói về việc nuôi dạy con cái hay tạo cho con cái phát triển thì chắc là ba mẹ tôi cũng có chút xíu nào đó thành tựu đáng tự hào trong cuộc sống đấy chứ.

-Sự thay đổi

Ba tôi bị tai nạn từ khi tôi khá nhỏ, tôi không biết khoảng thời gian trước đó ba tôi là người như thế nào. Cũng chẳng ai nói về vấn đề đó với tôi. Tôi chỉ thấy ba tôi ở hiện tại là một người khá gia trưởng. Dù rằng hầu như nhiều việc trong nhà tôi mẹ tôi đều làm nhưng mà mọi chuyện đều qua ba tôi quyết cả. Và đã là một đứa con thì ai chả thần tượng ba mẹ mình. Từ kinh nghiệm đầy cay đắng của ba tôi đó là nếu như học hành giỏi gấp mấy mà không có tiền bạc thì cũng chẳng giúp ích được gì. Cái tư tưởng đó nó đi liền với ba tôi đến tận gần đây. Có lẽ hồi đó tôi cũng đã bị lây nhiễm phần nào cái suy nghĩ đó của ba tôi. Vậy là với một phần góc nhìn về sự khốn khó của gia đình với những ngày tháng lênh đênh đi mượn gạo và phần nào đó theo suy nghĩ của ba tôi và nhiều người ở quê khác rằng con chữ chưa mang đến được gạo cho chúng tôi thay vì phải đổ mồ hôi công sức và làm bằng tay chân. Có lẽ câu nói lao động là vinh quang đúng trong trường hợp này.

Và thế rồi những tháng ngày sau đó là những tháng ngày bơ vơ của tôi. Từ một người học giỏi trong lớp đến lúc đi làm luôn cứ tự ti về bản thân. Dù rằng tôi vẫn kiếm được tiền, mua được đồ về cho gia đình. Nhưng cái cảm giác thấy bạn bè cùng trang lứa được đi học, đến cái đứa nó học dốt nhất lớp nó còn đậu 12 cơ mà. Buồn nhất là khi đi làm cá ở dưới Vũng Tàu, đứa học chung nó ngồi nói một câu. Ngày xưa tụi mày học giỏi cho cố làm gì cuối cùng rồi cũng về đây làm cá như tụi tao thôi. Khác gì đâu. Dần dần tôi thấy rằng ba tôi nói cái gì đó không đúng, rằng phải có ai đó chịu trách nhiệm cho ngã rẽ của cuộc đời tôi. Và rồi câu trả lời thật dễ, là ba tôi. Tôi và ông luôn có những suy nghĩ khác nhau trong hầu hết lĩnh vực. Tôi thì luôn muốn đổi mới, tôi muốn thử cái mới, nhưng ba tôi thì lại khác. Tôi luôn nghĩ ông sai trong nhiều trường hợp. Nếu có ai đó có thể mô tả về ba tôi là một người cứng nhắc và bảo thủ, còn cố chấp nữa. Và điều đó cũng đúng với tôi ở trước kia, tôi và ông luôn cho mình rằng là đúng là tốt. Chả ai nghe ai cả, cái số lần mà tôi nói chuyện được với ba tôi ít như số lần tôi đi bằng tay vậy. Và rồi tôi cũng phải lớn lên. Nếu ai đó nghĩ lớn lên là mọi suy nghĩ dần trở nên chín chắn thì không phải rồi. Lớn lên, tôi bắt đầu tiếp thu các văn hóa phương Tây, với sách và internet, tôi tiếp cận được với những suy nghĩ đổi mới và sáng tạo. Những thông tin mới mẻ đó giúp tôi khá nhiều khi tôi bắt đầu lớn lên, nhưng mặt trái của nó đó là làm tôi nhìn nhận gia đình và những nét truyền thống của quê hương tôi một cách khác đi.

Có đôi lần tôi nghĩ, ủa sao họ cứ làm đi làm lại một cái, trồng một thứ rau quanh năm mà họ biết được nó không đem lại nhiều thu nhập nhỉ. Tôi như những thằng nhóc khốn nạn khác ở cái tuổi 20-21 cứ cho là mình đúng rồi chỉ nhìn cuộc sống qua góc nhìn của mình và cho rằng ai cũng sai… rằng sách là tôn chỉ nam, mọi người nên đọc sách và rằng nếu tôi thích món này thì mọi người rồi cũng sẽ thích và nếu như ai đó không thích thì chắc hẳn họ có vấn đề thật rồi. Và thế là tôi cố quyết tâm thử thay đổi suy nghĩ của ba mẹ tôi không chỉ một lần, mà khá là nhiều lần. Mẹ tôi thì là người khá ủng hộ tôi, nhưng phần nào đó mẹ tôi vẫn sợ ba tôi. Và hầu hết thử nghiệm của tôi vì lý do này hay lý do khác đều thất bại. Tôi cố giải thích và bào chữa cho thất bại của chính bản thân mình vì lý do này hay lý do khác nhưng rồi kết quả là tôi chả thay đổi được gì. Không dễ gì mà một thứ mới có thể dễ dàng cho mọi người chấp nhận ngay được. Và rồi tôi bỏ cuộc với suy nghĩ “do ba tôi quá cứng nhắc” …

-Những chông gai cuộc đời

Ba mẹ tôi là những người tốt, dù rằng đôi khi trong cuộc sống họ cũng có những lúc phải bon chen vì gia đình. Nhưng họ vẫn dạy tôi sống tốt và trở thành một con người lương thiện. Không ăn cắp ăn trộm hay dành giật gì của ai. Tôi sống giống y bang phần nào đó lời ba mẹ tôi dạy. Nhưng ba mẹ của nhiều người khác họ không dạy con cái họ như cách mà ba mẹ tôi đã từng dạy tôi, vậy nên khi tôi bắt đầu đi làm đến giờ tôi bị lừa khá nhiều lần. Công việc tôi làm cũng vì đó thay đổi không ít lần, lúc thì bán hàng rong, lúc thì làm bốc vác. Cứ hễ việc nào kiếm ra được thu nhập là tôi lao vào làm. Cũng đi qua được nhiều chuyện người cũng đủ sẹo để gọi là tái rồi chứ không còn non xanh như ngày nào đó nữa. Tôi lại trở về quê, có đôi lần đối diện với ba tôi chợt nghĩ, nếu tôi là ba tôi thì tôi sẽ làm được gì? Tiếp tục một công việc tuy không giàu có gì nhưng vẫn có đủ tiền nuôi sống con cái tôi qua năm tháng, hay là thử một cái mới và thử luôn sức chịu đói của con cái mình qua tháng năm? Chợt tôi nhận ra mình ích kỉ quá, chẳng ai thích làm một công việc đồng áng nặng nhọc cả. Tôi cũng vậy và ba mẹ tôi cũng thế, chỉ là họ chưa biết cách để mọi thứ tốt lên thôi.

Nhưng tốt lên thế nào được? Đôi lúc tôi tự hỏi.

 Liệu tôi sẽ làm được gì ở  nơi mà đến cây cỏ cũng chết vì nắng. Không ít lần tôi thấy nhiều thứ ở chỗ khác và đưa nó về nhà tôi và thất bại cũng bởi vậy. Tôi chưa đủ trải nghiệm và kinh nghiệm để hiểu lý do tại sao ba tôi, mẹ tôi lại phải làm vậy. Và khi những cái gì đó không đạt thành công thì mọi người chỉ nhìn vào mặt tiêu cực của vấn đề. Họ không bao giờ đặt mình vào vị trí tôi mà nghĩ là lý do tại sao tôi muốn làm vậy. Tôi làm và cố gắng thay đổi vì hi vọng những thứ tốt nhất sẽ đến với gia đình tôi thôi. Vậy mà họ lại đánh giá tôi như thể tôi đang cố phá hủy đi một thứ gì đó vậy.

Đó là suy nghĩ trước kia của tôi. Nghe qua thì có vẻ hợp lý đấy nhỉ. Chắc là có chút nào đó. Nhưng rồi khi tôi nghĩ ngược lại và đặt bản thân tôi vào vị trí của ba mẹ tôi thì sao? Những người con của gia đình lấy tư cách gì trách móc những người đã sinh ra và nuôi sống mình qua chừng ấy năm. Dù rằng công việc họ làm là cực khổ hay khó khăn. Và rằng nếu họ đã quen với một việc nào đó quá lâu liệu có nên giúp họ bằng một cách miễn cưỡng để có thể “tốt hơn”. Thật sự tôi cũng không giám chắc tốt hơn là thế nào? Tôi chưa bao giờ có ý định bảo ba mẹ tôi bỏ cách đồng bao la, cánh đồng ruộng nơi đầy ắp tuổi thơ của tôi mà lên thành phố bon chen với cảnh tắc đường và những dãy trọ nằm san sát im lìm qua ngày tháng. Nhưng liệu có tốt hơn không khi để cho ba mẹ tôi nghỉ ngơi sau gần một đời vất vả? Những suy nghĩ không hồi kết đó cứ theo tôi, theo tôi mãi mà không có hồi kết.

-Con đường bình yên

Chẳng ai vui được mãi và cũng chẳng ai buồn mãi được. Tôi có lẽ cũng vậy. Qua năm tháng thì tôi dần dần mở đầu óc được ra. Thế giới tôi không chỉ là những mơ tưởng ở trong những trang giấy đầy màu sắc nữa, tôi nhận ra rằng tôi có thể học, học được nhiều thứ chỉ bằng cách mở to đôi mắt nhìn nhận cuộc sống của chính những người xung quanh. Và tôi bắt đầu học cách bao dung, bao dung cho người khác là bao dung cho chính bản thân mình. Tôi chẳng tự trách ba tôi vì ông sai hay tôi đúng. Ba tôi không sai, tôi cũng không sai…chẳng ai sai cả. Chỉ là tôi đứng ở góc nhìn khác góc nhìn của ba tôi thôi.

Ba tôi là một người ở thế hệ cũ, là một phần của lịch sử và khói đạn. Ông nội tôi mất cũng sớm nên ước mơ của ba tôi chỉ là nuôi sống anh em tôi. Và ông đã làm được. Tôi chẳng có quyền gì để chê trách cái ước mơ nhỏ nhoi mà lớn lao đó của ba tôi cả. Ba tôi nghĩ ông không thể giàu lên được, và ông cũng chưa muốn quá giàu có. Tôi chẳng thể nào thay đổi được lịch sử hay thay đổi ước mơ của ba tôi, với một người đã từng phải khoan sọ và trải qua bao nhiêu biến cố trong cuộc sống đến như vậy thì ba tôi đã làm tốt, quá tốt rồi. Và hơn nữa tôi cũng chưa gặp những người mà ba tôi gặp, tôi chưa làm việc ở môi trường mà ba tôi đã làm. Vậy nên ừ thì với kinh nghiệm của ba tôi thì nó cũng đúng thôi mà, đúng với ba tôi.

Tôi thì sinh ra trong cái thế hệ được gọi là nửa nạc nữa mỡ. Cái thế hệ lớn lên trên lưng trâu nhưng khi lớn rồi thì lại cầm điện thoại ngồi trong nhà. Nên cái tư tưởng  của tôi đôi khi nó như nồi lẩu của suy nghĩ  nông dân chân đất trộn với chút suy nghĩ của thế hệ người 4.0 gì đó. Suy cho cùng tôi nghĩ cũng thoáng và học hỏi được cũng khá nhiều.

Và một cái nữa mà tôi quên mất đó là tương lai của tôi là do tôi chọn, không phải do ba mẹ tôi chọn giúp tôi. Vậy mà khi không thành công thì tôi lại quay ra trách ba mẹ mình vì con đường từ nhà ra đường quốc lộ của tôi đầy sỏi đá.

Cái gì của quá khứ thì nó được gọi là lịch sử rồi. Ta chẳng thay đổi được gì. Tôi cũng dần nhận thức được mình bắt đầu có những vết nhăn đầu tiên trên má. Có lẽ thời gian để tôi ngồi lại với ba mẹ cũng chẳng còn được nhiều. Ai rồi cũng chỉ sống một lần thôi mà. Tôi hay ba mẹ tôi cũng vậy. Vậy nên nếu có thời gian và tiền bạc tôi thích gửi cho ba mẹ chút quà nào đó. Tôi biết tính của ba mẹ tôi là nếu gửi tiền thì trước sau gì ba mẹ tôi cũng giữ lại để làm một cái gì đó thôi. Tôi thử lục tìm lại tất cả các bức hình về gia đình thì chỉ có được một tấm hình tôi chụp ba tôi. Chẳng có lấy một tấm hình hai ba con chụp chung. Phải chăng, khi thời gian qua đi, có lẽ để nhìn lại thì tôi sẽ còn, sẽ còn nhiều hơn một lần tiếc nuối.

Tôi chưa bao giờ nói xin lỗi ba tôi, và ba tôi cũng vậy. Chả có gì để xin lỗi cả. Và có lẽ khi đã trưởng thành thì mọi thứ không chỉ nằm ở vấn đề đúng hay sai nữa. Nếu đúng thì tôi được gì? Và nếu sai thì tôi được gì?

Có đôi lúc cái đúng sai nó chẳng quan trọng, cái quan trọng là tình cảm gia đình ta dành cho nhau. Tôi giờ đã đi học lại, dành được chút xíu gọi là thành công nhỏ trong cuộc sống. Những khi tôi đi về và khoe với ba tôi về những gì đã làm được thì tôi thấy phần nào đó niềm tự hào trong đôi mắt ông. Dù rằng ông chả bao giờ nói trực tiếp với tôi, nhưng với tư cách của một người con tôi cảm nhận được niềm vui đó… niềm vui của một người ba ở tuổi xế chiều.

Ba tôi. Bình Dương 09/10/2021

 

comments

Van Hoa @ All Rights Reserved 2021